(NLĐO) – Khán giả mê sân khấu cải lương đã dành mỹ từ cho NSƯT Minh Phụng là “hoàng tử sân khấu”. Ông diễn cặp với nhiều cô đào nhưng với vợ mình – NS Kiều Tiên – là định mệnh sắp bày để tạo bước chuyển mới cho nghề: Kép chánh – ông bầu.


*

Năm 1977, NSƯT Minh Phụng sau khi ly hôn với NS Diệu Huê đã về đoàn cải lương Hương Mùa Thu. Tại đây, ông đã gặp và yêu một nữ nghệ sĩ trẻ đẹp của thương hiệu này, đó là NS Kiều Tiên.

Bạn đang xem: Tiểu sử nghệ sĩ minh phụng

Bạn đang xem: TiểU Sử Nghệ Sĩ Minh PhụNg

“Tôi biết anh đã có gia đình, vừa chia tay với vợ, nhưng mẹ tôi thì sợ con gái sẽ khổ nên bà có ý ngăn cản. Nhưng rồi tình yêu dành cho anh quá lớn bởi trên sân khấu, với nghề hát anh là một người đàn ông xem sự nghiệp trên hết. Giai đoạn về chung sống sau khi tổ chức tiệc cưới, tôi nhận thấy anh dốc tâm lo cho nghệ thuật. Đây là giai đoạn chúng tôi có nhiều vai diễn sánh bước cùng nhau trên sân khấu, nhất là trên đoàn nhà, nơi anh bỏ vốn đầu tư gánh hát, vừa làm kép chánh, vừa làm ông bầu. Cơ hội này cho phép anh thỏa mãn những ước mơ của đời nghệ sĩ, nghĩa là được làm những vở tuồng anh thích” – NS Kiều Tiên kể.

Dù NSƯT Minh Phụng đã mất, ngày giỗ của ông, những khán giả hâm mộ và nghệ sĩ đồng nghiệp vẫn đến viếng mộ và hát những bài ca cổ, những trích đoạn nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông. Ngày 9-2 sắp tới sẽ là ngày giỗ lần thứ 10 của NSƯT Minh Phụng.

NSND Lệ Thủy khóc: “10 năm rồi, “hoàng tử sân khấu” đã rời xa khán giả, xa sàn diễn. Tôi đến thăm gia đình anh trong những ngày giỗ, cảm thấy xúc động khi NS Kiều Tiên lập bàn thờ chồng ở một nơi trang trọng và treo tất cả những bức ảnh của các vai diễn mà NSƯT Minh Phụng đã diễn”.

NS Kiều Tiên tâm sự:”Ở thập niên 1960, thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương, các nghệ sĩ trẻ có giọng ca vàng, chỉ cần nổi tiếng với cách ca vọng cổ hay là lập tức được các bầu gánh hát tranh thủ đến mời ký hợp đồng biểu diễn với một số tiền rất cao. Từ một em bé mới lên 7 tuổi phụ mẹ bán hàng ở chợ Mỹ Tho, ông nhà tôi học ca qua radio, sau đó được nghệ nhân Tư Xuân ở Mỹ Tho dạy ca theo nhịp đờn và được soạn giả Hương Huyền Anh thử giọng khi gánh hát Tân Đô về quê anh biểu diễn.

Minh Phụng đã bước chân vào nghề khá sớm, làm công việc nhắc tuồng để học nghề, đến năm 17 tuổi anh vụt sáng, được báo giới và người hâm mộ đặt biệt danh “hoàng tử sân khấu”. Tôi hạnh phúc khi được làm vợ anh, làm bạn diễn của anh, dù tôi biết với khán giả, họ yêu quý chồng tôi qua sự sánh bước trong những mối tình trên sân khấu với các chị: Lệ Thủy, Mỹ Châu nhiều hơn tôi, đó là niềm hãnh diện cho tôi và gia đình”.

Các vai diễn của cặp đôi Minh Phụng – Kiều Tiên tựu chung đều chịu nhiều ngang trái, thời đó khi làm bầu gánh, NS Minh Phụng đã muốn dàn dựng các vở tuồng nói về thân phận người phụ nữ hiền lành, chịu nhiều khổ lụy nhưng sống nghị lực. Chính vì thế, các vở tuồng của giai đoạn diễn chung với NS Kiều Tiên dễ chiếm cảm tình khán giả.

NS Kiều Tiên từng nói tôi nghĩ đó là lý do dù anh đã đi xa, bà con khán thính giả mộ điệu sân khấu cải lương vẫn còn yêu mến. Không chỉ đến ngày giỗ, mà ngày sinh nhật, ngày lễ tết, một nhóm bạn trẻ hâm mộ vẫn mang hoa, nến, đàn đến ngồi quanh mộ đờn ca những bài hát của anh mà họ thuộc. Xúc động lắm. Nghĩa cử đó làm tôi và gia đình cảm thấy hạnh phúc.



“Chính vì xuất thân từ nghèo khó, từng đi bán khoai lang, chuối chiên phụ mẹ nên anh ấy quý trọng đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt. Ông nhà tôi là danh ca nên cách ăn uống, sinh hoạt rất khác mọi người.

Xem thêm: Cách Up Danh Bạ Lên Icloud Nhanh Nhất, Cách Đồng Bộ Danh Bạ Lên Icloud Cho Iphone, Ipad

Anh ấy giữ sức khỏe nên chế độ dinh dưỡng và cách gìn giữ giọng ca rất nghiêm ngặt. Với con cái trong gia đình anh luôn dạy phải biết tiết kiệm, quý trọng đồng tiền làm ra từ lao động vất vả. Khi có được những đồng tiền từ các suất hát thành công, anh chia cho anh em hậu đài, công nhân sân khấu. Tôi hạnh phúc khi có người chồng là danh ca, và hạnh phúc vì từ khi anh cưới tôi, không có chuyện lăng nhăng, ong bướm.

Bất kể đi dự tiệc, sinh hoạt nghề nghiệp cùng với bạn bè thân hữu cũng đều dẫn vợ con đi cùng. Thời chúng tôi làm bầu lâm vào cảnh khó khăn, phải bán tài sản để trả nợ, anh ấy đã nói với tôi, của mất sẽ mua sắm lại, đừng để anh chị em trong đoàn hát phải chịu thiệt thòi, rã gánh mỗi người rời xa nghề đều được anh cho 1 chỉ vàng nên anh chị em trong đoàn đều yêu thương anh ấy”– NS Kiều Tiên nhắc lại.

Với NSƯT Diệu Hiền, gần 50 năm gắn bó với sân khấu cải lương, trong giai đoạn hưng thịnh nhất của bộ môn nghệ thuật này, nghệ sĩ Minh Phụng đã đi vào lòng khán giả mộ điệu với hình ảnh một kép đẹp, có giọng hát đặc trưng với thanh âm cao, ngọt ngào và sâu lắng.

“Phải nói nhiều vở diễn và những bài vọng cổ có sự góp mặt của Minh Phụng đã tạc vào tâm trí khán giả ấn tượng. Vì anh quá sáng sân khấu, bước ra sàn diễn là khán giả đã trầm trồ, khi ca diễn lại rất ga – lăng với nữ nghệ sĩ diễn chung, nên khán giả càng mê đắm anh.

Tôi có nhiều vở tuồng diễn chung với Minh Phụng, nhưng lâu lâu vẫn giả vờ bệnh để NS Kiều Tiên thế vai. Và tôi vào rạp hát, nép mình ở tận hàng ghế cuối để xem cặp đôi này hát. Họ đến với nhau là định mệnh sắp bày, để Minh Phụng toàn tâm, toàn ý cho việc vừa hát, vừa làm bầu, để được làm những điều mình muốn. Cho mãi đến năm 2000, khi đời sống sàn diễn quá hiu hắt, Minh Phụng dẹp hát trong nỗi buồn da diết” – “Nhụy Kiều tướng quân” Diệu Hiền kể.

Nhắc đến những vở diễn mà NS Minh Phụng đã thể hiện và sau này khi lập đoàn, ông đã hướng dẫn vợ ca diễn để tạo niềm tin yêu cho cặp đôi Minh Phụng – Kiều Tiên chính là: “Nắng ấm quê ngoại”, “Chim báo bão”, “Rừng thần”, “Lá thắm duyên tơ”…

Còn với khán giả mộ điệu yêu mến tài năng của ông, phải kể đến các vở đã đi vào lòng người xem như:”Bóng hồng sa mạc”,”Tâm sự loài chim biển”(vai Áo Vũ Cơ Hàn),”Xin một lần yêu nhau”(vai Âu Thiên Vũ),”Kiếp nào có yêu nhau”(vai Mộ Dung Trạch)….và các vở để đời như: “Đêm lạnh chùa hoang”,”Máu nhuộm sân chùa”,”Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”…; Ông đã thu âm nhiều bài vọng cổnhư: “An Lộc Sơn”,”Nước mắt quê hương”,”Thương về cố đô”, “14 năm mong đợi”,”Cho xin sống lại một ngày”,”Đừng nói xa nhau”,”Phố đêm”…Đặc biệt, ông đã song ca với NS Kiều Tiên bài “Mưa trên phố Huế”, “Soi bóng”, “Lẻ bạn”, “Xin gọi nhau là cố nhân”…được khán giả yêu thích.



Sau năm 1975, Minh Phụng là trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, nổi danh trong vai Lục Vân Tiên. Sau đó đoàn này được giao cho Sở Văn hóa Thông tin tỉnh quản lý. Năm 1976, NS Minh Phụng gia nhập gánh hát Hương Mùa Thu, làm kép chánh, diễn qua các vở “Gánh cỏ sông Hàn”, “Con cò trắng”, “Lửa phi trường”…

Năm 1994, ông lập lại đoàn hát Hương Mùa Thu với thành phần diễn viên trẻ, Đoàn Hương Mùa Thu của Minh Phụng diễn ở tỉnh Minh Hải (Cà Mau) và các tỉnh lân cận. Sau đó ông đổi tên thành đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng. Từ năm 1996 trở về sau, các gánh hát thua lỗ, Đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng cầm cự, kéo dài đến qua năm 2000 rồi ngưng hát. Nghệ sĩ Minh Phụng đã thua lỗ khá nhiều cho đoàn hát và đã nhiều lần phải bán nhà để trả nợ vì làm bầu.

Sau lần phẫu thuật tim vào năm 2005, NS Minh Phụng cần điều trị suy thận và hoại tử chân kéo dài. Đầu tháng 11 năm 2008 ông vẫn cố gắng xuất hiện trong live show của nghệ sĩ Ngọc Đáng tổ chức tại rạp Hưng Đạo. Đó là lần cuối cùng ông xuất hiện trên sân khấu bên cạnh vợ mình – NS Kiều Tiên.

Trước khi chung sống với NS Kiều Tiên, ông và nghệ sĩ Diệu Huê (đoàn Kim Chung) đã có ba người con, trong đó có nghệ sĩ Tiểu Phụng. Năm 1976, ông li dị vợ. Năm 1977, ông chuyển qua đoàn Hương mùa thu và kết hôn cùng nghệ sĩ Kiều Tiên, sinh con gái là nghệ sĩ Y Phụng.

NS Minh Phụng tên thật là Ngô Văn Thiệu, còn tên khai sinh sau này là Nguyễn Văn Hoài, sinh trưởng tại Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang. Lúc mới vào nghề ông lấy nghệ danh Tân Tiến, khi vào đoàn hát Thanh Phương ông đổi nghệ danh Minh Phụng cho đến nay. Minh và Phụng là tên 2 đứa con của người bạn thân của ông.

NS Minh Phụng đã tham gia ở nhiều đoàn hát khác nhau như Tân Đô, Hoa Thảo – Hậu Tấn, Thanh Phương… Đến gánh hát Kim Chung, hợp cùng hai nghệ sĩ Minh Cảnh, Minh Vương, ông đã khiến giới mộ điệu cải lương mê đắm từ những thập niên 1960 – 1970. Ông đã đóng cặp với nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi như: Út Bạch Lan (Trinh tiết một loài hoa), Mỹ Châu (Bích Vân Cung lệ sử, Kiếm sĩ người dơi), và nhất là các vở dã sử kiếm hiệp với Diệu Hiền, Lệ Thủy, Kiều Tiên như: “Xin một lần yêu nhau”, “Kiếp nào có yêu nhau”…