Thời niên thiếu, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn, sau đó chuyển về Cần Thơ theo học tại trường Collège de Can Tho.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông bỏ học và tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đó tham gia học khóa huấn luyện của Việt Minh về công tác tuyên truyền.

Bạn đang xem: Phim tài liệu về phạm xuân ẩn

Năm 1947, ông trở về Sài Gòn để chăm sóc người cha đang bệnh nặng. Tại đây, ông tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình của học sinh sinh viên Sài Gòn, đầu tiên là chống Pháp rồi sau là chống Mỹ, tiêu biểu là tham gia vào phong trào Trần Văn Ơn. Cũng trong thời gian này, ông làm Thư ký cho Công ty Dầu lửa Caltex đến năm 1950.


*

Năm 1950, ông vào làm ở Sở Thuế quan Sài Gòn. Thực chất lúc này ông đã được Việt Minh giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam và từ Việt Nam về Pháp. Đây là những bước đầu hoạt động tình báo đầu tiên của ông.

Năm 1952, ông ra Chiến khu D và được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ trực tiếp giao nhiệm vụ tình báo chiến lược.

Năm 1953 tại rạch Cái Bát, Cà Mau trong rừng U Minh, dưới sự chủ tọa của đồng chí Lê Đức Thọ (lúc này đang là Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam), Phạm Xuân Ẩn được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1954, Phạm Xuân Ẩn bị địch gọi nhập ngũ và được chỉ định làm Bí thư phòng Chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp tại Camp Aux Mares (thành Ô Ma). Chính tại đây, ông đã quen biết với Đại tá Edward Lansdale, Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), trên thực tế là người chỉ huy CIA tại Đông Dương cũng là trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn.

Năm 1955, theo đề nghị của phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (lúc này đã chính thức thay Pháp đứng ra huấn luyện và xây dựng Quân lực Việt Nam Cộng hòa), Phạm Xuân Ẩn tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần cho quân đội. Phạm Xuân Ẩn còn được giao nhiệm vụ hợp tác với Mỹ để chọn lựa những sĩ quan trẻ có triển vọng đưa sang Mỹ đào tạo.


*

Trong công tác tình báo, để có thể đi khắp nơi và tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất, tháng 10 năm 1957, theo sự chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương), Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học ngành báo chí tại Quận Cam, California, trong hai năm 1957 - 1959, ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được cử sang học báo chí tại quận Cam.

Thời gian học ở Mỹ, ông còn có nhiệm vụ tìm hiểu về văn hóa Mỹ vì Đảng đã nhìn thấy sự dính líu sâu sắc của Mỹ đối với Việt Nam, muốn chiến thắng kẻ thù, việc đào tạo những người có điều kiện tiếp xúc như ông là rất cần thiết.

Tháng 10 năm 1959, Phạm Xuân Ẩn về nước, nhờ những mối quan hệ, ông được Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Văn hóa Xã hội (thực chất là cơ quan mật vụ trực thuộc Phủ Tổng thống), biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn xã phụ trách những phóng viên ngoại quốc làm việc tại đây.

Từ năm 1960 đến giữa năm 1964, ông làm cho Hãng thông tấn Reuters.

Từ năm 1964 đến đầu năm 1965 ông là phóng viên của tờ The New York Herald Tribune.

Năm 1965 đến năm 1966 ông làm việc cho Tuần báo Time, ngoài ra ông còn là cộng tác viên của các tờ báo khác như The Christian Science Monitor...

Xem thêm: Xem Phim Tân Thần Điêu Đại Hiệp 2014 Tập 30 Vietsub + Thuyết Minh Full Hd

Phạm Xuân Ẩn là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng truyền thông nước ngoài với lương rất cao thời đó, 750 đô la một tháng. Ông hành nghề báo chí và trở thành ký giả thực sự có tên tuổi, nhiều tin tức ông viết cho báo chí trở thành những bài “đinh” được rất nhiều người đón nhận. Chỉ có điều khác lạ là ông còn trở thành một vị Thiếu tướng, một vị Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ khi ở Mỹ về nước cho đến năm 1975, với vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA… Phạm Xuân Ẩn đã có được nhiều nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo.

Đặc biệt, để tạo một vỏ bọc hoàn hảo, tướng Phạm Xuân Ẩn đã cố biến mình thành một tay chơi giao du rộng rãi và “sành điệu”, ông la cà khắp các vũ trường, các nhà hàng sang trọng… Từ đó, ông tạo được lòng tin, mở rộng quan hệ và thu thập được rất nhiều thông tin.

Các điệp viên khác thường có “hộp thư” để chuyển tin một cách bí mật. Nhưng với ông Phạm Xuân Ẩn thì khi cần chuyển tin đến mật khu, ông để ria mép ngụy trang và lái ô tô đi vài ngày rồi trở về Sài Gòn, như một phóng viên đi săn tin ở các điểm nóng. Ông cũng là một trong số ít phóng viên người Việt Nam được mời dự giao ban quân sự, ngồi cùng với các sĩ quan quân đội Mỹ đi trên trực thăng hành quân đến trận địa, các phòng thuyết trình để xem các bản đồ chiến sự mới nhất…

Khi Mỹ thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cách mạng ở miền Nam đã phải chịu nhiều thiệt hại vì những trận càn được hỗ trợ từ trực thăng và xe bọc thép, Phạm Xuân Ẩn đã gửi các bản báo cáo và các tài liệu chiến thuật của Mỹ - Diệm cho cách mạng, trong đó có những bản tài liệu nguyên bản về Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” như: Tài liệu McGarr “Technics and Tactics of Counter Insurgency”; nguyên bản kế hoạch kế hoạch Staley-Taylor, tài liệu Harkins; tài liệu về Ấp chiến lược… Nhờ đó mà quân giải phóng có sự chuẩn bị tốt nhất để chống lại các chiến thuật, chiến lược của Mỹ.

Cũng chính ông trong giai đoạn năm 1963, sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị đảo chính đã khẳng định: Mỹ chưa chịu ngừng tay ở Việt Nam, cho dù nhiều cấp trên của ông đã nghĩ khác. Phải đến tận năm 1965, Mỹ mới chính thức công bố tiếp tục tăng viện cho miền Nam Việt Nam, chứng minh nhận định của ông là đúng. Sở dĩ Phạm Xuân Ẩn tự tin như vậy vì ông hiểu người Mỹ hơn ai hết.

Sau năm 1963, Phạm Xuân Ẩn đã gửi thêm rất nhiều tài liệu, báo cáo quý giá cho cách mạng như: Đánh giá về khả năng Mỹ đưa bộ binh sang Việt Nam trong giai đoạn 1964 - 1965; các báo cáo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, những tài liệu liên quan đến Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”; Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975; báo cáo về tình hình tinh thần và vật chất đang cạn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như việc Mỹ sẽ không trở lại Việt Nam và hàng trăm bản tin nguyên bản “phục vụ cấp trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam”…

Trong sự nghiệp tình báo lừng lẫy của mình, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, các thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ ngụy trong đó có những thông tin vô cùng quan trọng, đặc biệt là những phân tích, nhận định, đánh giá của bản thân, góp phần rất lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của Phạm Xuân Ẩn gửi đi sống động và vô cùng tỉ mỉ.

Ông Mười Hương, người đã giới thiệu ông Phạm Xuân Ẩn vào tổ chức tình báo từng kể: “Tôi từng nghe các đồng chí ở Trung ương kể rằng sau khi đọc những báo cáo của Ẩn gởi về từ Mỹ, Bác Hồ xúc động thốt lên: “Đọc báo cáo mà cứ như ngay ở trung tâm New York!”. Hay sau khi đã về nước, hoạt động trong lòng địch, những báo cáo của ông Ẩn cũng vô cùng chính xác, khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Cứ như ta đang ở trong bộ tổng tham mưu của địch”. Các tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn đều nể trọng ông. Họ muốn lấy lòng ông hơn là ông kết thân với họ để lấy tin tức. Vì thế ông có cơ hội cung cấp rất nhiều tin quân sự quý giá cho cách mạng”.

Tháng 8/1978, ông ra Hà Nội dự một khóa học tập chính trị dành cho cán bộ cao cấp trong vòng 10 tháng.

Năm 1990, Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng cấp Thiếu tướng.

Năm 2002, ông về hưu, nhưng cho tới sáu tháng trước khi qua đời, Phạm Xuân Ẩn vẫn đóng vai trò như một cộng tác viên của tình báo Việt Nam. Ông tham gia vào việc bình luận và đánh giá các tài liệu của Tổng cục Tình báo (Tổng cục 2, trực thuộc Bộ Quốc phòng).

Ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý trong đó có: Huân chương Độc Lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất; 2 hạng Nhì; 1 hạng Ba); Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…

“Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi

Bạn bè thương tiếc mãi không thôi

Riêng tôi nhớ mãi người đồng chí

Dũng cảm thông minh giữa cuộc đời”…

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Mười Hương (Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng) đã đến tiễn biệt ông trong mưa, thắp nén hương cuối cùng lưu luyến. Đứng trên sân nhà tang lễ, hai ông cùng một lần nữa nhận định: “Chiến thắng rỡ ràng của chúng ta, ông Ẩn đã đóng góp một phần rất lớn bằng những tài liệu tối quan trọng, những phân tích chiến lược sắc bén, những dự báo quân sự, chính trị thiên tài”.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Tổng cục trưởng Tổng cục II không giấu được nỗi xúc động trong bài điếu văn của mình: “Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất của ngành tình báo. Nay ông đã về với tiền nhân, ngôi sao sáng đã trở về hội tụ cùng chòm sao sáng, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài sự tiếc thương…”.

Nhìn vào nét lớn của những bước phát triển kháng chiến ta sẽ thấy cuộc đời và sự nghiệp Phạm Xuân Ẩn đã trải qua tất cả các giai đoạn: từ thời chống Pháp (1945 - 1954) đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) đầy những khó khăn, vất vả.Trong các cuộc chiến kéo dài đau thương và anh dũng ấy, Phạm Xuân Ẩn đã thực sự ẩn mình trong một vị trí chiến đấu lạ lùng và cam go, rất dễ bị bại lộ và hiểm nguy có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tính chất “hai mặt” của công việc chính nghĩa cộng thêm tư chất một người Việt Nam khá điển hình, đã giúp ông sống thật với tất cả các mặt của cuộc đời đặc biệt mà ông phải đảm trách. Và Anh hùng Phạm Xuân Ẩn - một điệp viên chưa bao giờ bị bắt - người đã qua mặt tất cả những mật vụ giỏi nhất của chính quyền Sài Gòn và CIA đã sống một cuộc đời phi thường ấy trong vòng 23 năm giữa lòng địch!

Là một nhà tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng như các đồng đội của mình, ông đã dành những tinh túy, sức lực cao nhất để giúp cho sự nghiệp giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Quan điểm của ông là bất cứ kẻ ngoại xâm nào, dù đó có là Trung Quốc, là Pháp, là Nhật trước kia, hay Mỹ sang xâm lăng Việt Nam thì đều phải bị quét sạch ra khỏi bờ cõi Việt Nam để mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là tư tưởng yêu nước cực kỳ vĩ đại, tư tưởng mà thế hệ sau luôn phải ghi nhớ và noi theo.